Bị lỗ vì mua vào Bảng Anh nhưng Soros vẫn thắng lớn từ Brexit
Soros có kiếm được lợi nhuận trong “cơn địa chấn” vừa qua, nhưng đó là từ những khoản đầu tư khác, do cái nhìn bi quan về thị trường tài chính quốc tế chứ không phải vì ông đặc biệt đánh cược vào đồng bảng như năm 1992.
Ngày 24/6, khi đồng bảng rớt giá thảm hại sau sự kiện chấn động Brexit, nhiều người đã nhắc đến cái tên George Soros. Điều này cũng dễ hiểu bởi tên tuổi của ông gắn liền với thương vụ bán khống đồng bảng và đánh sập NHTW Anh năm 1992.
Tuy nhiên, theo một thông báo được người phát ngôn của ông đưa ra hôm nay (27/6), lịch sử đã không lặp lại. Trước cuộc trưng cầu, Soros đã mua vào một lượng bảng Anh và không lặp lại thương vụ năm 1992, dù bấy lâu nay ông vẫn cảnh báo về những hậu quả khủng khiếp mà Anh gây ra nếu chọn rời khỏi EU. Soros vẫn kiếm được lợi nhuận trong “cơn địa chấn” vừa qua, nhưng đó là từ những khoản đầu tư khác và do cái nhìn bi quan về thị trường tài chính quốc tế chứ không phải vì ông đặc biệt đánh cược vào đồng bảng.
Vài ngày trước khi cuộc bỏ phiếu chia rẽ Anh và EU diễn ra, Soros đã cảnh báo đồng bảng có thể giảm hơn 20% so với USD vì nhà đầu tư không lường hết được cái giá thực sự của Brexit. Trong ngày lịch sử 24/6, đồng bảng đã giảm 8,1%, xuống mức thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ và đến phiên hôm nay lại tiếp tục lao dốc.
“Giờ đây kịch bản tồi tệ mà nhiều người lo sợ đã xảy ra. Gần như không ai có thể đảo ngược quá trình chia tách của EU”, Soros viết trong 1 bài xã luận đăng trên tờ Project Syndicate hôm 25/6. “Hậu quả đối với kinh tế thế giới sẽ tương đương với khủng hoảng 2007-2008.”
Trong bài bình luận trên báo Anh Guardian số ra tuần trước, Soros nói rằng ông đã “may mắn” có được một khoản lợi nhuận lớn để chia cho các nhà đầu tư rót tiền vào quỹ đầu cơ của ông. Số tiền ấy đến từ NHTW Anh và Chính phủ Anh.
Cuộc trưng cầu dân ý lịch sử đẩy các nhà đầu tư vào những ngày tháng đầy bất ổn ở phía trước. Cơ chế và các điều khoản để Anh ra đi vẫn chưa được quyết định, và bộ máy lãnh đạo của Anh đang rơi vào khủng hoảng sau khi Thủ tướng David Cameron từ chức.
“Cuối cùng thì Anh có thể giàu hơn các nước khác sau khi rời EU, nhưng trước mắt rõ ràng là nền kinh tế và người dân Anh đang phải chịu đựng nhiều đớn đau. Trong quá trình Anh “làm thủ tục ly dị với EU”, thị trường sẽ còn biến động mạnh”, Soros nhận định.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg
0 nhận xét | Viết lời bình